Trong dự thảo quy hoạch đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ GTVT tính toán đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang, tổng chiều dài là 651km, vận tốc là 350 km/h rút ngắn thời gian chạy tàu xuống còn chưa đầy 2h.

 

Đường sắt tốc độ cao (Ảnh: Minh hoạ)

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa mới yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong dự thảo quy hoạch. Đồng thời, phân tích rõ các dự báo về nhu cầu, có so sánh với năng lực của các phương tiện khác trên cùng hành lang, cự ly vận chuyển.

Từ đó, định hướng, lập kế hoạch đầu tư từng giai đoạn. Trong báo cáo cuối kỳ dự thảo quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được đưa ra, đơn vị tư vấn đã nêu các tính toán về phương án đầu tư.

Đến năm 2030, hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu tư các xây dựng các đoạn ưu tiên trên tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP HCM đoạn Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang.

Đối với 2 đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang, tổng chiều dài là 651km, vận tốc thiết kế là 350 km/h rút ngắn thời gian chạy tàu xuống còn chưa đầy 2 tiếng. Đơn vị tư vấn cho rằng 2 đoạn tuyến này có thể khai thác năm 2030 nếu nhu cầu vận tải cao hoặc năm 2032 nếu nhu cầu thấp.

Tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: Ảnh:Japantourist/Kyotostation.

Đến năm 2050, ngành giao thông sẽ đầu tư tiếp đường sắt tốc độ cao đoạn Vinh – Nha Trang và xây dựng mới các tuyến như Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Dĩ An – Lộc Ninh, Tháp Chàm – Đà Lạt. Đồng thời, nghiên cứu các đoạn đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Hạ Long, Đắk Nông – Bình Thuận, Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột, Cần Thơ – Cà Mau…

Báo cáo nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đầu tư, hoàn thiện mạng đường sắt quốc gia; đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; các tuyến đường sắt kết nối Đồng bằng Sông Cửu Long; Tây Nguyên; các tuyến kết nối quốc tế với Lào, Campuchia, Trung Quốc; các tuyến đường sắt xây dựng mới khác trên hành lang vận tải có khối lượng lớn, tuyến kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn…

Theo dự thảo quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, ngành đường sắt hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận chuyển 16,5 triệu tấn hàng hóa, 30,9 triệu hành khách đến năm 2030 và vận chuyển 15% sản lượng hàng hóa, 19% về hành khách đến 2050.

Nhu cầu vốn đầu tư các dự án đường sắt đến năm 2030 dự kiến hơn 665.000 tỷ đồng (trung bình là 66.592 tỷ đồng/năm). Trong đó đầu tư đường sắt tốc độ cao 561.000 tỷ đồng, còn lại là cải tạo, đầu tư mới 7 tuyến đường sắt.

Nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2031- 2050 là 1.534.000 tỷ đồng; trong đó đường sắt tốc độ cao là 772.000 tỷ đồng, đường sắt thường là 762.187 tỷ đồng (trung bình là 76.742 tỷ đồng/năm).

Theo Báo Hà Tĩnh