Đây là một trong những nội dung thuộc danh mục các dự án quan trọng của Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ, Quốc hội kèm theo dự thảo Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sáng 7/1, tại Nhà […]
Đây là một trong những nội dung thuộc danh mục các dự án quan trọng của Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ, Quốc hội kèm theo dự thảo Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sáng 7/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 7/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Theo đó, trong danh mục các dự án trọng điểm Quốc gia, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh), các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030; còn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (đoạn Vinh – Nha Trang) được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2031 – 2050.
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Quốc hội, trong định hướng phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật cấp Quốc gia, đối với đường sắt sẽ đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – Thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng; ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Biên Hòa – Vũng Tàu.
Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu xây dựng đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, đường sắt kết nối Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận sáng 7/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Dự thảo quy hoạch cũng đề cập đến việc từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).
Về định hướng phát triển không gian biển, Nghệ An thuộc vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa – Bình Thuận). Tại khu vực này, dự thảo quy hoạch xác định tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển. Cơ cấu lại khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận sáng 7/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển. Tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An thuộc Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là 1 trong 6 vùng kinh tế – xã hội trong tổ chức không gian phát triển đất nước.
Trong sáng nay, qua 26 ý kiến, các ĐBQH đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch tổng thể Quốc gia và báo cáo thẩm tra. Đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; cơ quan lập, cơ quan thẩm tra chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc xây dựng và thẩm tra Quy hoạch tổng thể Quốc gia là nhiệm vụ rất khó khăn, gặp nhiều thách thức, nhưng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tiếp thu những nội dung góp ý để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết gửi tới các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Mô phỏng đường sắt tốc độ cao. Ảnh minh họa
Các ĐBQH từ thực tiễn và kinh nghiệm công tác của mình đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể Quốc gia như: Sự cần thiết và cần ban hành Nghị quyết trong kỳ họp bất thường căn cứ trên cả 3 cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, sự chuẩn bị nghiêm túc và tích cực của Chính phủ; kết cấu, nội dung các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự thảo Nghị quyết và Quy hoạch; phạm vi, mức độ chi tiết và tính khái quát, phương pháp tiếp cận, căn cứ lập quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển; về nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, các vùng động lực và hành lang kinh tế; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện…
Theo Baonghean